Katip Sumat và phong trào Hồi giáo Katip Sumat Phong_trào_Hồi_giáo_Katip_Sumat

Trở về Campuchia

Katip Sumat hay Katip Tamat là một tu sĩ Hồi giáo (imam) sinh ở Campuchia, đã từng sang Makah tiểu vương quốc Kelantan, Mã Lai) du học về triết lý Hồi giáo. Nghe tin vương quốc Champa bị xóa bỏ trên bản đồ vào năm 1832, Katip Sumat rời Makah (Kelantan, Mã Lai) trở về Campuchia. Sau khi bàn luận với các môn đệ Hồi Giáo, Katip Sumat chỉ huy một đoàn quân đa số là người Chăm và Mã Lai sinh sống ở Campuchia sang Champa để hình thành một phong trào đấu tranh chống triều đình Huế vào năm 1833.

Đối với dân tộc Chăm, Katip Sumat là bậc tu sĩ Hồi Giáo được xem như một vị thánh siêu hình, di chuyển từ nơi này sang nơi khác mà người Chăm không thấy dấu chân. Vừa đặt chân lên lãnh thổ Champa, Katip Sumat chinh phục được sự yểm trợ của nhiều quan lại Champa phục vụ trong triều đình của Po Phaok The.

Chuẩn bị cho cuộc nổi dậy

Nhằm chuẩn bị chu đáo cho cuộc nổi dậy, Katip Sumat quyết định giữ bí mật về sự hiện diện của ông ở Champa cho đến ngày khởi nghĩa bùng nổ. Tuy nhiên, một quan lại gốc Chăm Bà La Môn tên là Po Kabait Thuac, vì quá sợ những cuộc trừng phạt sau này, báo cáo với triều đình Huế về mưu đồ nổi dậy của dân tộc Chăm. Thế là vua Minh Mạng ra lệnh bắt tất cả người Chăm có âm mưu chứa chấp Katip Sumat. Sau khi điều tra lại, triều đình Huế quyết định thả những người Chăm bị bắt vì không có bằng chứng và kết tội tử hình Po Kabait Thuac về tội phỉ báng người khác.

Trước hành động của Po Kabait Thuac, Katip Sumat rất phẫn nộ và tuyên bố rằng “một số người Chăm là những kẻ gian manh muốn trục xuất ông”. Chính vì thế, ông không muốn tiếp tục đấu tranh nữa, sợ gây ra liên lụy cho tầng lớp tu sĩ người Chăm. Nhưng đa số thành viên tìm cách thuyết phục Katip Sumat phải tiếp tục lãnh đạo phong trào. Katip Sumat chấp nhận lời yêu cầu với điều kiện là mặt trận đấu tranh này phải đặt dưới màu cờ Hồi Giáo.

Ðể thực hiện mục tiêu, Katip Sumat tập trung tất cả những quan lại và binh lính trên hòn núi Aih Amrak (Con Công) ở Ðồng Nai, mà Katip Sumat xem như trung tâm chỉ đạo, điều hành và phổ biến lý thuyết Hồi Giáo. Sau đó Katip Sumat gửi những người truyền đạo đi khắp vùng Raglai và Churu (Tây Nguyên) nhằm yêu cầu các đạo hữu và binh lính phải tin tưởng tuyệt đối vào giáo lý Hồi Giáo và Đấng Allah. Katip Sumat còn ra lệnh thủ tiêu tất cả những chức sắc Chăm Bà ni theo Hindu giáo chống lại phong trào truyền bá Hồi Giáo mà ông đã đưa ra.

Từ nổi dậy chuyển sang hoạt động Thánh chiến chống lại triều đình Huế

Theo biên niên sử Chăm, mục tiêu của Katip Sumat là giải phóng Champa ra khỏi sự kiếm soát của Việt Nam. Muốn tiến đến mục tiêu, Katip Sumat dùng triết lý Hồi Giáo làm khung cho chủ thuyết đấu tranh mà ông chưa thự hiện được tại Campuchia. Kể từ đó, Katip Sumat sáng tạo ra một quan niệm đấu tranh hoàn toàn mới lạ trên bán đảo Ðông Dương, đó là hình thành mặt trận “thánh chiến Hồi Giáo” (Jihad) chống lại triều đình Huế.

Sau khi từ chối yêu cầu qui hàng mà vua Minh Mạng đã đưa ra nhiều lần, Katip Sumat giao cho Tuan Lik quyền chỉ huy vùng Phan Rí, cho Kuac Riwa quyền chỉ huy vùng Long Hương và cho Katip Ja Thak Wa quyền chỉ huy vùng Phan Rang, phất cờ mang dòng chữ “Po Rasak” và ra lệnh cho binh lính vùng dậy tấn công căn cứ quân sự của triều đình Huế ở đất Champa.

Cuộc nổi dậy của Katip Sumat gây mối đe dọa thật sự cho triều đình Huế, buộc vua Minh Mạng phải gởi một đội binh hùng mạnh hơn 1000 người và ra lệnh vũ trang những cư dân Việt thuộc phủ Bình Thuận để họ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống quân nổi loạn.

Kết quả của cuộc Thánh chiến

Đoàn quân Katip Sumat tập trung những người Chăm, Raglai và Churu, luôn luôn tin tưởng vào Đấng Allah sẽ phù hộ cho sự chiến thắng, hăng say vùng dậy chống lại triều đình Huế. Tuy nhiên, cuộc vùng dậy của Katip Sumat thiếu sự chuẩn bị chu đáo và do quá tin vào Đấng Allah để bảo vệ tính mạng cho binh sĩ mà Katip Sumat đã hứa hẹn, đội quân của ông bị tan rã nhanh chóng.

Dưới sự đán áp của vua Minh Mạng, phong trào Hồi Giáo của Katip Sumat đã bị dập tắt vào tháng 7 năm Tỵ lịch Chăm, tức là cuối năm 1833 hay đầu năm 1834.